top of page

Ngày nay Sài Thị


Tôi nghỉ việc hôm nay. Mai không còn chỗ nào để tới tránh cái nắng Sài Gòn nữa. Tôi biết mình buồn và cũng cho phép mình buồn khi trở về phòng. Thế mà nghĩ sao đó lại thôi, tôi không muốn buồn bã nữa để đọc nốt cuốn sách mới mượn. Cô chủ phòng trọ lên đưa tờ giấy thông báo trưa mai đi xét nghiệm Covid tập trung. “Bịch rau mạnh thường quân cho những người thuê trọ để tầng một, cháu ăn thì xuống lấy". Tôi lấy cái rổ cầm xuống nhặt ít rau muống và rau dền mang lên phòng cho ngày mai. Đã hơn một tháng kể từ ngày đầu tiên nhận được thông báo dãn cách, hai tuần đầu tiên rồi lại thêm hai tuần nữa, chẳng có tín hiệu nào rằng nó sẽ ngừng lại khi đầu tuần lại có thông báo tiếp tục dãn cách thêm. Tôi ngừng theo dõi số ca nhiễm mới, cũng chẳng đọc tin trên báo viết về bệnh dịch nữa. Thỉnh thoảng, lại có một vài người gửi vào group chat ở công ty một cái link báo về diễn biến dịch phức tạp tại Sài Gòn. Rồi mọi người truyền nhau tin về khu gần nhà mình vừa mới có ca nhiễm, con hẻm kia đã bị phong toả… những cuộc hẹn hò khi nào hết dịch gặp nhau cũng thưa dần, chẳng còn ai nhắc tới nữa. Có nhiều người đồng nghiệp tôi đã không gặp mặt hơn cả tháng nay.


Hôm qua tôi ở công ty phóng xe về nhà lúc 7h tối. Trời mưa lất phất cuối tháng 6, con đường Võ Văn Tần hiu hắt, cái lồng kính đặt trước cửa tiệm bún bò Chú Bá nổi tiếng còn nguyên núi chân giò heo. Nước bún dậy mùi thơm cố đô khe khẽ tiến lại gần mấy chiếc xe đang dừng đèn đỏ cách đó chỉ hơn 1m. Ánh đèn trắng sáng choang lạnh lùng hoà tan vào những cái bàn inox bóng loáng không người ngồi. Ai cũng mải dõi mắt theo chiếc đèn đỏ đếm từng giây để không bỏ lỡ mất cái nhịp đầu tiên vặn tay ga phóng đi.


Lý Thái Tổ tối đèn, dãy cửa hàng thiết kế quảng cáo im lìm, những chiếc bảng hiệu sặc sỡ tắt ngấm sắc màu. Mưa nặng hạt hơn trước, trong cốp xe có hai chiếc áo mưa nhưng tôi vẫn tấp vào lề trú mưa. Tôi đứng đó, một mình. Bóng đèn đường vẽ ra một vầng sáng vàng chiếu xiên qua góc phố nhìn rõ từng hạt mưa rơi lã chã. Vỉa hè bên kia trống trơn, chẳng có chiếc xe hàng rong nào đậu bán. Mà có lẽ nếu các cửa tiệm không lấn chiếm vỉa hè thì đây mới là dáng vẻ nó vốn có. Tôi đứng dưới mái hiên một cửa tiệm đã đóng cửa, nhìn vô thức những chiếc xe chạy ngang qua và nhận thức rõ ràng rằng mình đang sống qua một mốc thời gian lịch sử, dù muốn hay không. Tất cả những thứ từ bất thường đã dần nên bình thường hơn, đời sống đang diễn ra bây giờ chắc chắn sẽ được kể lại tại một khoảng thời gian khác dưới hình thái nào đó trong vô vàn câu chuyện mà người ta sẽ muốn nhắc đi nhắc lại. Nhưng tôi không biết mình có còn nhớ cơn mưa ngày hôm nay, nhớ con đường Sài Gòn im ắng, nhớ cái vị tươi mới của không khí lúc vừa tháo khẩu trang ra không. Có lẽ tôi sẽ chẳng nhớ gì cả, dù lúc này không quá nhạt nhoà nhưng lại chẳng có điều gì đặc biệt xảy ra cả, tất cả sẽ được gộp chung vào mớ ký ức 30 ngày (hoặc hơn) Sài Gòn dãn cách chống dịch.




Tôi không thích mình sống cuộc đời buồn bã, cũng không muốn tháng 6, tháng 7 sẽ trôi tuột qua đời mình mà chẳng để lại điều gì ngoài dịch bệnh. Sài Gòn có gì mấy ngày này, tôi tự điểm lại trong đầu. Tháng 6, đó là mùa vải thiều. Đúng rồi, nhiều vải lắm, từ siêu thị, xe đẩy ngoài đường đến sạp hàng trái cây khi chợ tự phát chưa bị đóng cửa. Có ngày tôi ăn hết cả kg mà vẫn thèm, đó thường là một ngày oi nóng bức, tôi làm việc online ở phòng bên cạnh hai cái quạt kêu rè rè mà mồ hôi vẫn thấm ướt vạt áo. Tôi không biết rằng mình thích vải nhiều như thế, cái vị ngọt đôi lúc hơi gắt nhưng phần lớn vẫn là ngọt thanh thật mê hoặc.


Tôi là kiểu người sợ tương lai trở thành hiện tại, sợ hôm nay giống hệt ngày mai, sợ mỗi tối trước khi ngủ chẳng có gì để mong đợi khi thức giấc. Rồi tôi sẽ thấy mình u uất và chán ghét cuộc đời, nhất là trong những ngày như thế, vậy nên thỉnh thoảng tôi lại ra chợ, mua về một chùm vải chín mọng tự thưởng cho mình khi đã làm hết công việc trong checklist. Tôi ăn từng trái một chậm rãi, ghi nhớ cái dư vị ngọt ngào còn sót lại nơi đầu lưỡi. Thật buồn cười khi nói điều này nhưng tôi thấy mình háo hức đi vào giấc ngủ hơn khi biết ngày mai có một chùm vải đang đợi lúc thức dậy. Nếu ngày trước ắt hẳn phải là một chuyến đi xa, một cuộc gặp gỡ, một lớp học, một quán cà phê mới… thì giờ đây chỉ cần một cuốn sách mới, một bộ phim hay, một ý tưởng lạ, hay chỉ đơn giản là một ly ép cóc, một chùm vải thiều mọng nước cũng đủ.


Có đúng không nếu nói rằng, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng nên có một điều gì đó để trái tim háo hức, mong đợi đến ngày mai. Tôi không chắc lắm, chỉ biết rằng bản thân mình cần nó nhiều hơn tất thảy vào tháng 6 và cả tháng 7 và có lẽ cả cả những tháng còn lại của năm nay - một hay nhiều điều gì đó đáng để háo hức mong đợi, một sợi dây giữ liên lạc với tương lai. Và việc của tôi là giữ gìn nó, càng lâu càng tốt.


Tôi ít khi thấy Sài gòn khoác lên mình cái nét trầm lặng thế này, hoặc do lâu rồi tôi không còn ra ngoài vào khoảng thời gian này nữa. Người ta khẽ khàng đi qua nhau, những ánh nhìn ái ngại đằng sau chiếc khẩu trang tránh chạm vào nhau, việc ai người nấy làm, đường ai người nấy đi, chẳng còn ai nói với ai câu gì, cả khi nhận tiền thối ai cũng cẩn thận để không chạm tay. Làm sao ta có thể học cách sống chung với nó thật thoải mái và tự do? Tôi không biết. Nhưng những lúc viết như thế này tôi lại mơ hồ nhận ra mình còn một nơi khác nữa để đi, cái gì đấy ở bên trong. Tôi thấy mình đang nằm trên thảm cỏ êm ái nhìn mây trôi, tiếng con suối chảy róc rách hoà cùng tiếng chim kêu líu lo nghe rất êm tai. Dù không thể đi ra ngoài nhưng vẫn còn lối vào bên trong, tôi nghĩ, có lẽ cái mấu chốt là từ bỏ khái niệm về thế giới bình thường của mình đi và mở rộng nó ra. Nếu bạn đang chờ đợi một giải pháp để mở rộng ra như thế nào thì xin lỗi vì những dòng này vốn không có kết luận, tôi mới chỉ đang sống tới đây thôi.


Ngoài trời thôi mưa, Lý Thái Tổ ướt nhoèn, chiếc đèn đường lặng thinh, tôi một mình nên chẳng vội.


Single Post: Blog_Single_Post_Widget
bottom of page