top of page

Thời tới cản không nổi, cộng đồng mạng cách ly ở nhà còn được hít hà drama!


Sáng thứ 4, hai ngày trước khi thực hiện giãn cách bà Hà đánh thức chồng dậy sớm hơn mọi khi. Tiếng còi xe cấp cứu rú lên xa xa. Rút kinh nghiệm từ trưa hôm qua về tay không, 6h hôm nay bà điều ông chồng chở tới vài cái chợ, mấy cửa hàng tạp hoá để kịp 7h30 sáng về xếp hàng vào siêu thị. Phải nói rằng, hàng sale 7.7 còn không đắt khách bằng hàng “độn giá" ngày 8.7 trước khi cái thông báo mới được thi hành hôm 9.7.



Sống ngót nghét cũng gần 50 năm nhưng đây là lần đầu tiên trong đời bà Hà thấy ba cái chợ gần nhà đều bị căng dây rào lại, dân quân chặn chốt không cho ai vào cũng chẳng cho ai ra. Mấy hôm trước bà Hà mất ngủ cả đêm vì tiếng còi xe cấp cứu hú liên tục từ cái chung cư cách nhà bà hai con hẻm vì phát hiện ca dương tính. Bà Hà sợ không cho chồng con ra ngoài. Mặc báo đài vẫn đưa tin đều đều rằng chính phủ khuyến cáo người dân không cần tích trữ, bà Hà cố gắng gom tất cả mọi loại thức ăn nước uống từ siêu thị về nhà vì bà nghĩ "thà thừa còn hơn thiếu". Có thể nói, đợt dịch này phân hoá tốt, bạn theo đám đông hay xông ra đứng một mình thì chỉ cần nhìn vào tủ cái tủ lạnh trong nhà là biết. Bà Hà sợ khi phải tới cái siêu thị đông đúc kia nhưng chỉ khi nhìn cái tủ lạnh đầy ắp, cái tủ bếp xếp kín gạo, mì gói, mắm muối... thì bà mới cảm thấy vơi bớt đi một chút nỗi bất an về tương lai.


Chẳng kém sôi động hơn cái siêu thị kia, trên báo chí, MXH người người nhà nhà đang bàn tán, bình luận, chia sẻ xoay quanh chỉ thị cách ly toàn thành phố thông báo tối qua. Mấy tấm ảnh chụp siêu thị trống trơn được nhiều người chia sẻ chóng mặt với đủ mọi sắc thái vui buồn giận dữ. Con mắt của cả nước đổ dồn vào sự hoảng loạn đang diễn ra tại nơi bùng dịch lớn nhất cả nước, trước cái cảnh đoàn người nhao nhao tích trữ thực phẩm, rồng rắn chen chúc nhau trong cái SVĐ để tiêm vaccine bất chấp đang dãn cách, hay đám tiểu thương giành giật từng tờ giấy xét nghiệm ở cái chợ đầu mối nọ, rồi cả mấy kẻ lợi dụng nhận cơm từ nguyện nhiều nơi đi bán lấy tiền…



Phải nói là thời đến cản không nổi, cộng đồng mạng cách ly ở nhà không ngờ vẫn được “hít hà" drama. “Nhà nước đã cam kết không thiếu thực phẩm rồi mà cứ đua nhau dự trữ; “Dân trí và hiểu biết của dân mình thấp thật”; “Không hiểu nổi cái đám đông kia nghĩ gì"; “Đừng nói với tôi đây là ảnh chụp Sài gòn hôm nay chứ"; “Bọn vô ý thức”"... Đây là những câu nói nắm chắc tỉ lệ thành công 100% khi muốn tỏ ra mình là người văn minh, thông tuệ. Họ Share một bài viết như ngầm vạch ra cái ranh giới cho thấy mình đứng ngoài cái đám đông đang sợ hãi, lo lắng, kích động, vô ý thức. Và ít nhất họ cảm thấy mình khác cái đám đông kia dù phải sống cùng trong thế giới hỗn loạn này. Nhưng trước khi đi đến kết luận nào hãy nhìn một cách tổng quan hơn những ngày qua:


- Chiều 4.7 trên mạng lan truyền chóng thông tin Tp.HCM sắp bị phong toả sau 36h - 48h khiến nhiều người hoang mang.

- 20h Tuổi trẻ lên bài: “Quyết định lock Tp.HCM trong 10-15 ngày là thông tin giả mạo". Ban phòng chống dịch Covid 19 Tp.HCM đề nghị người dân TP cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ thông tin về dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và thành phố.

- 19h tối 6.7 Zing lên bài: “Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ của người dân nếu phải phong tỏa diện rộng”. Đây là nội dung trong thông báo kết luận về cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với Tp.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam về diễn ra từ ngày 4.7

- Chiều tối 7.7, UBND Tp.HCM tổ chức cuộc họp công bố chính thức áp dụng chỉ thị số 16 của Thủ tướng 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9.7


Ai cũng biết Sài Gòn đã bước vào giữa hè rồi nhưng cứ nhìn lại quá trình hô biến một tin đồn giả thành tin thật chỉ trong vòng vài ngày khiến người ta tưởng bây giờ mới là đầu tháng tư. Cái cách giải quyết úp mở, thông tin thiếu nhất quán của các cơ quan chức năng, báo đài khiến người dân trở nên hoang mang lo lắng sốt ruột chờ đợi. Nỗi sợ hãi bên trong cộng hưởng cùng sự cảm nhận nguy cơ bên ngoài đang bị đe dọa khi thông tin không những thiếu mà còn nhiễu khiến cơ chế phòng vệ bản năng của con người tự động kích hoạt. Những người như bà Hà cũng chỉ là một nạn nhân và họ có quyền chính đáng được phép hoang mang, lo lắng, giận giữ, hay bắt đầu cảm thấy hoài nghi hơn trước những thông tin từ chính quyền đưa ra. Cái đám đông hỗn loạn, hoang mang và sợ hãi đó chẳng có gì đẹp đẽ mà tự hào cả nhưng tôi nghĩ cần minh oan cho họ. Tôi nhìn bà Hà và thấy hình ảnh của ba mẹ mình, các cô các chú, các bác mình đang ở quê và nghĩ rằng cái viễn cảnh tương tự cũng có thể xảy đến với họ. Covid đã tạo ra quá đủ bi kịch khiến nỗi sợ chết của người Việt ngày càng thật hơn bao giờ hết.


Trước hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng như bà Hà, Sở Công Thương đã khẳng định Tp.HCM không thiếu thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Nhưng sẽ chẳng có sự cam kết hay lời trấn an nào lặp đi lặp lại nhiều bằng các về hình ảnh chợ bị phong toả, siêu thị hết hàng, ứng dụng đi chợ bị treo… được mọi người share trên facebook. Ngay lúc này, Covid-19 khiến mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng. Bình thường Sài gòn khoẻ mạnh và hào sảng đấy nhưng khi cơ thể đang mang bệnh thì năng lực tự điều chỉnh phòng vệ yếu đi. Nó trở nên dễ tổn thương hơn trước những thông tin và các lời kêu gọi.


Nút share trên facebook bây giờ mang một quyền năng lớn hơn lúc trước, nó có thể chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh nhưng cũng có thể tiếp tay lan truyền tâm lý hoang mang, sợ hãi rộng rãi hơn. Nếu không chắc đâu là thứ đáng share thì ít nhất cũng đừng bấm nút share vô tội vạ rồi hô lên "toang rồi" cho vui. Nó đáng sợ lắm.

Single Post: Blog_Single_Post_Widget
bottom of page